G20 thay G7 G0

Cho đến giữa những năm 1990, G7 vẫn là nơi bàn thảo các vấn đề quan trọng nhất của thế giới. Các thành viên của nhóm này chia sẻ những giá trị và niềm tin chung rằng dân chủ và chủ nghĩa tư bản thị trường là những hệ thống tốt nhất để xây dựng hòa bình và thịnh vượng. Năm 1997, nhóm G7 do Hoa Kỳ đứng đầu biến thành G8, sau khi các nhà chính trị châu Âu và Hoa Kỳ lôi Nga vào. Sự thay đổi đó không phản ảnh một sự chuyển biến trong cán cân quyền lực thế giới. Đó chỉ đơn giản là một nỗ lực bảo vệ nền dân chủ mới hình thành ở Nga để ngăn chặn nước này quay lại chế độ trước đó. Sự chuyển mình từ G7 lên G8 không đe dọa vị thế của các chính phủ đại diện hay tăng trưởng kinh tế.

Cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua và sự tan chảy của thị trường toàn cầu khiến hệ thống toàn cầu chấn động mạnh hơn bất cứ thứ gì theo sau sự sụp đổ của Liên Xô. Hồi tháng 9-2008, những lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu đang đứng trên bờ vực thảm họa đã thúc đẩy sự thay đổi đột ngột từ G8 sang G20, một cơ chế bao gồm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới và các nước thị trường mới nổi quan trọng nhất, vốn là thành viên của G77. Vì vậy, G20 từng được ví von là kết tinh của G7 và G77. Những kỳ họp đầu tiên của cơ chế mới G20 ở Washington vào tháng 11-2008 và ở London hồi tháng 4-2009 cho ra đời một thỏa thuận mở rộng hợp tác tiền tệ và tài chính, tăng ngân sách cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và đưa ra những luật mới cho các định chế tài chính.

Không đồng cảnh ngộ

Có được những thành công đó chủ yếu vì tất cả các thành viên lúc đó cảm thấy có những mối đe dọa chung. Nhưng khi nền kinh tế phục hồi, và cảm giá bị khủng hoảng đe dọa dịu đi ở một số nước, ngày càng rõ rằng Trung Quốc và nhiều nền kinh tế khác bị thiệt hại ít hơn và có thể hồi phục nhanh hơn so với các nước giàu. Các ngân hàng ở Trung Quốc và Ấn Độ không đến nỗi lao đao như các ngân hàng ở Hoa Kỳ và châu Âu. Hơn nữa, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã bảo vệ chính phủ và hệ thống ngân hàng ở nước này khỏi sự hoảng loạn về thanh khoản như ở phương Tây. Khả năng chỉ đạo của Bắc Kinh trong chi tiêu cho các dự án hạ tầng đã nhanh chóng tạo ra công ăn việc làm, làm nhẹ đi những nỗi sợ hãi về suy giảm việc làm như tại Hoa Kỳ và châu Âu.

Khi Trung Quốc và các nước mới nổi khác tăng trưởng trở lại, sự hoang mang của phương Tây lại gia tăng. Tại Hoa Kỳ, tình trạng thất nghiệp cao kéo dài và những nỗi lo sợ suy thoái kép làm nổi lên xu hướng bất bình đối với chính phủ và gia tăng quyền lực cho đảng Cộng Hòa. Tình hình tương tự cũng xảy ra với chính phủ các nước công nghiệp khác. Chính phủ ở Đức và Pháp bị giảm tín nhiệm, trong khi chính phủ đương quyền ở Nhật Bản và Anh bị thua trong các cuộc tổng bầu cử. Khủng hoảng tài chính làm bùng phát làn sóng giận dữ của công chúng từ Hy Lạp đến Ireland và từ các nước vùng Baltic sang Tây Ban Nha. Trong khi đó, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước đang phát triển khác tiến lên phía trước giữa lúc thế giới phát triển bị mắc kẹt trong một quá trình hồi phục yếu ớt. Mỉa mai thay, nước đang phát triển duy nhất chứng kiến sự hồi phục uể oải là Nga, nước mới nổi đầu tiên được G7 mời gia nhập.

Chia rẽ

Khi nhu cầu và mối quan tâm của nhóm các nước giàu và các nước mới nổi bắt đầu khác biệt, G20 và các định chế quốc tế khác mất dần sự nhiệt tình và gắn kết cần có để thiết lập được các thỏa thuận hợp tác và liên kết chính sách đa phương. Các chính trị gia ở những nước phương Tây bị chỉ trích đã thất bại trong việc đưa đất nước hồi phục nhanh chóng, đã tìm cách đổ lỗi cho nước ngoài, mà chủ yếu là các nước mới nổi.

Những căng thẳng chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng nhiều lần trong thời gian qua. Trung Quốc tiếp tục giả điếc trước những kêu gọi thả nổi đồng NDT từ Washington. Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh một mực cho rằng họ phải bảo vệ sự phát triển và ổn định ở trong nước, trong khi các nhà làm luật ở Washington ngày càng nghiêm túc hơn khi nói về hành động chống lại các chính sách mậu dịch và tiền tệ của Trung Quốc, mà theo họ là không công bằng. Trong vòng 3 năm qua, có một sự gia tăng đột biến những vụ kiện tụng ở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đặc biệt là các vụ kiện qua lại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. G20 đã thay đổi từ một định chế quốc tế có chút ít hiệu quả thành một đấu trường sôi động cho các mâu thuẫn quốc gia.